BLAO THEO DÒNG LỊCH SỬ
- Thứ sáu - 25/09/2020 14:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Blao có nghĩa là gì?
Blao là tên gọi cũ của vùng đất phía nam tỉnh Lâm Đồng.
Theo bản đồ trong Đại Nam Nhất Thống Chí, xuất bản dưới triều Nguyễn thì phần đất phía nam Lâm Đồng ngày nay thuộc tỉnh Bình Thuận. Cả một vùng rộng lớn chỉ thấy ghi là Di Dinh Thổ Phủ, có 20 buôn, phía tây có sông Dã Dương. “Tây hữu Dã Dương giang bất thâm nhi quảng, trung đa ngạc như” nghĩa là: Phía tây có sông Dã Dương, không sâu mà rộng, có nhiều cá sấu. Trong sách này cũng cho biết, hai bên bờ sông có cư dân sinh sống và phía nam sông có người Hoa thỉnh thoảng đến buôn bán. Như vậy, phần đất phía nam của tỉnh Lâm Đồng ngày nay, hồi đó thuộc Di Dinh Thổ Phủ, còn Blao có lẽ chỉ là một buôn, trong số các buôn làng người bản địa.
Blao theo dòng lịch sử
Thành phố Bảo Lộc hôm nay |
Núi Spung mà người Bảo Lộc bây giờ hay gọi là núi Đại Bình, nằm ở phía nam thành phố Bảo Lộc, cao 1.244m, là nhánh núi nhô ra xa nhất ở rìa phía bắc sông La Ngà, cùng với con sông nhỏ Đạ Bin bên dưới và đèo Blao luôn gắn liền với đất Blao từ xưa đến giờ.
Blao có nghĩa là gì?
Blao là tên gọi cũ của vùng đất phía nam tỉnh Lâm Đồng.
Theo bản đồ trong Đại Nam Nhất Thống Chí, xuất bản dưới triều Nguyễn thì phần đất phía nam Lâm Đồng ngày nay thuộc tỉnh Bình Thuận. Cả một vùng rộng lớn chỉ thấy ghi là Di Dinh Thổ Phủ, có 20 buôn, phía tây có sông Dã Dương. “Tây hữu Dã Dương giang bất thâm nhi quảng, trung đa ngạc như” nghĩa là: Phía tây có sông Dã Dương, không sâu mà rộng, có nhiều cá sấu. Trong sách này cũng cho biết, hai bên bờ sông có cư dân sinh sống và phía nam sông có người Hoa thỉnh thoảng đến buôn bán. Như vậy, phần đất phía nam của tỉnh Lâm Đồng ngày nay, hồi đó thuộc Di Dinh Thổ Phủ, còn Blao có lẽ chỉ là một buôn, trong số các buôn làng người bản địa.
Năm 1899, dưới thời toàn quyền Paul Doumer, thành lập tỉnh Haut Donnai; có hai trạm hành chính, một ở Tánh Linh, thuộc tỉnh Bình Thuận hiện nay và một trên cao nguyên Lang Bian, có lẽ là tại Đà Lạt, chưa thấy có địa danh Blao. Khi tỉnh Haut Donnai giải thể năm 1905, một phần của tỉnh này, trong đó có vùng Bảo Lộc ngày nay, trực thuộc tỉnh Bình Thuận, nhưng không thấy có tư liệu nào nói đất đó có tên là gì.
Khi người Pháp lập lại tỉnh Haut Donnai (ngày 31 tháng 10 năm 1920), sau này đổi là Đồng Nai Thượng, vùng này được gọi là Đại lý hành chính Blao - một đơn vị hành chánh tương đương với cấp huyện bây giờ, có địa giới rất rộng, được bao bọc bởi sông Dà Rgna ở phía nam và phía tây, sông Đồng Nai ở phía bắc và tây bắc tức bao gồm huyện Tân Phú, một phần huyện Định Quán của tỉnh Đồng Nai, một phần huyện Hoài Đức, một phần huyện Tánh Linh của tỉnh Bình Thuận và các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng ngày nay.
Nhưng Blao có nghĩa là gì? Trước khi người Pháp đặt chân lên vùng nam Tây Nguyên, phần rừng núi thuộc thượng nguồn sông Là Ngà và sông Đồng Nai có người Mạ sinh sống. Người Mạ sống ở phía ven núi Spung sang đến phía nam suối Đạ Mri và vùng đèo Bảo Lộc tự gọi mình là người Mạ Blao, để phân biệt với người Mạ sống dọc sông lớn Đồng Nai mà họ gọi là sông Đà Đờng. Như vậy, Blao là tên một vùng đất của người Mạ bản địa.
Có người cho Blao là đám mây bay thấp, là vùng gió thổi, là vùng đất giữa ba con sông, là bông hoa trên đồng cỏ… nhưng có lẽ chỉ là các cách nói căn cứ trên một số đặc biệt của vùng đất, còn với người Mạ bản địa, chữ Blao có nghĩa là cái bàu nước, đầm nước. Trong vùng của người Kơ Ho và người Mạ ngày nay, vẫn còn nhiều địa danh gắn với bàu nước, ở xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) có buôn B’Nao; buôn ở chỗ bàu nước, buôn Lao Lùng; buôn ở đầm hình cái tô, ở xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc; người Kơ Ho có buôn Nau Sri; buôn ở ruộng lầy, tất cả các tên ấy đều có gốc từ chữ: lao, nau, t’lau hay t’lao, nghĩa là cái bàu nước, tùy theo phương ngữ từng vùng của tiếng Kơ Ho.
Trong số các bài hát truyền miệng ở buôn M’rong Sre Kang có chuyện kể về nguồn gốc người Mạ Blao: Ngày xa xưa, người Mạ sống ven sông mẹ Đạ Đờng, lâu dần sinh sôi nảy nở thành nhiều buôn, núi đồi phát rẫy mãi trở thành cằn cỗi, lúa con không lên được, lúa mẹ chỉ có ít hạt mẩy, lại hay bị con sâu, con khỉ, con heo cắn phá. Người Mạ phải đi lên núi tìm lá trou, lá piếp làm rau, tìm xà bu làm bột, tìm củ mài củ chụp làm cơm, lại phải tìm bắt cá ở suối, con thỏ con mang ở rừng. Cứ phải đi hết núi này sang núi nọ để kiếm cái ăn, vì vậy, già làng K’Tiêu Dam Prưng dẫn con cháu đi tìm đất mới. K’Tiêu cúng Giàng, xin Giàng cho đất, Giàng bảo phải đi đến vùng đất là nơi hội tụ của ba con nước lớn, nơi rừng đầu nguồn có con cọp trắng, ở nơi đó có cây đa Giàng ở, dấu hiệu nhận biết là chim chóc tụ về mỗi khi đêm xuống.
Sau nhiều ngày băng rừng lội suối, K’Tiêu tìm được vùng rừng phía tây nơi ba con nước Đạ Bin, Đạ Giam, Đạ Rgna gặp nhau, đó là nơi sinh sống của một con cọp trắng, Trên ngọn con nước nhỏ trong vùng, K’Tiêu tìm được một cây đa ở ven bàu nước, chim chóc tập trung về đông đúc, mỗi khi mặt trời gần xuống đến đỉnh ngọn núi phía xa và ông cho lập buôn mới ngay ở đấy. Từ đó, buôn của K’Tiêu được gọi là buôn Blao. Sau này Blao thành một buôn lớn, tách ra thành nhiều buôn nhỏ nhưng vẫn mang tên buôn gốc ngày xưa.
Cạnh bếp lửa nổ tí tách, trong ngôi nhà sàn dài hơn một tiếng chiêng ngân, bên ché rượu cần đã nhạt nước và lũ cháu chắt ngồi vòng quanh, già làng K’Kiêu Dam Pùi ở buôn Kon Hin Đăng kể rằng: Khi buôn Blao đã đông người, già làng có hai người con, người con nhỏ K’Tẻh bắt vợ người Kơ Ho, về sau dẫn con cái tìm đất mới để phát rẫy, vì rẫy ở núi xa không tiện đường về nên làm nhà ở luôn tại đó, rồi lập thành buôn mới, buôn Blao Kon Tẻh; buôn Blao của người con tên K’Tẻh. Người con lớn ở lại buôn cũ, từ đó buôn được gọi là Blao Kon Hin; buôn Blao của người con tên K’Hin.
Sau này, các buôn gốc Blao còn chia thành nhiều buôn khác nữa như Blao Kon Hin Đăng, Blao Kon Hin Đạ, Blao S’re ở phía trên đèo Blao, buôn Blao Đạ Mrẻh ở khoảng giữa đèo, buôn Blao Klong Trou, Blao Klong Ner, Blao Klong Krồ phía chân đèo trên lưu vực sông Đạ Huoai và trở thành một tộc hùng mạnh, vùng cư trú trải dài suốt phía nam cao nguyên Mạ, giáp với người Kơ Ho. Vì vậy, người Mạ Blao có nhiều tập quán và cả một số phương ngữ tương tự người Kơ Ho, nên có người cho rằng đây là nhóm Mạ lai Kơ Ho hay nhẹ nhàng hơn là “gần gũi với người Kơ Ho hơn cả”.
Từ tên của một bộ tộc lớn của người Mạ bản địa, người Pháp dùng Blao để đặt tên cho vùng đất mới và thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây trà, nên hàng chục đồn điền đã mọc lên, biến Blao một thời thành vương quốc của trà. Dần dà người Kinh đến lập nghiệp, ngày càng đông vui, hình thành lên làng mạc, phố xá. Đến nay, nhiều người đã là thế hệ thứ tư, thứ năm, đã là cư dân bản địa của đất Blao rồi.
Dù có thăng trầm, thay đổi như tất yếu của cuộc sống, dù với tên Blao hay Bảo Lộc, Blao vẫn trẻ trung, vẫn giữ được nét trầm mặc, yên bình của phố núi và vẫn luôn lưu lại cảm giác thân thương trong lòng lữ khách, như hơi ấm của tách trà xanh ướp hương hoa sói thơm nồng, bốc khói giữa buổi sáng tinh khôi.